Giá Cà phê tiếp tục duy trì lực mua mạnh trên cả hai sàn trong phiên hôm qua. Trong đó Arabica đã duy trì đà tăng vượt qua các mức kháng cự trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 2 USD, lên 2.442 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 9 USD, lên 2.379 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo tiếp tục thu hẹp khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 4,25 cent, lên 205,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 4,00 cent, lên 203,05 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.


Theo chuyên gia, do áp lực của ngày thông báo đầu tiên (FND) giao hàng kỳ hạn tháng 5 trên sàn New York vào ngày 20/04 đã cận kề là nguyên nhân chính khiến giá cà phê kỳ hạn đảo chiều tăng.
Về thị trường cà phê trong nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 210,37 nghìn tấn, trị giá 482,43 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,23 tỷ USD, giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.293 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng 2/2023 và tăng 2,0% so với tháng 3/2022. Tuy nhiên, tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.222 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổ chức Cà phê quốc tế ước tính, nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Theo dự báo này, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022 – 2023. Tuy nhiên, sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê trên 4 tỷ USD, tiếp nối kỷ lục năm 2022.
Tuy nhiên, sự lạc quan về triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tại Brazil vẫn luôn song hành, khiến đà tăng của giá trong tuần qua bị hạn chế phần nào.
Những ngày qua, hãng tin Reuters liên tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung Robusta tại Châu Á khi nông dân Việt Nam và Indonesia đều đang hạn chế bán hàng. Bên cạnh đó, sản lượng Robusta tại Brazil được dự báo thấp hơn gần 6% so với niên vụ hiện tại, theo IBGE. Điều này góp phần làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung, từ đó kéo giá đi lên.
Tuần trước, báo cáo xuất khẩu tháng 3 sụt giảm của Brazil và Colombia đã khiến thị trường dấy lên mối lo nguồn cung Arabica thiếu hụt trong ngắn hạn. Trong khi báo cáo tồn kho trên cả hai sàn vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, khiến các thương nhân đẩy giá kỳ hạn để bán hàng giao ngay.
So với cùng kỳ tuần trước (10/4), mở đầu tuần này, giá cà phê trong nước và thế giới đều tăng. Trong đó, giá cà phê trong nước đã tăng nhẹ khoảng 700 đồng/kg. Trong khi, giá cà phê Robusta thế giới đã tăng mạnh tới hơn 100 USD/tấn đối với tất cả các kỳ hạn, giá cà phê Arabica cũng tăng tốt khoảng trên dưới 9 cent/lb.
Giá cà phê tăng tốt trong tuần qua là do thị trường chịu áp lực thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Theo báo cáo của Liên đoàn cà phê quốc gia, sản lượng cà phê Arabica ở Colombia giảm 12,58% trong tháng 3. Tồn kho đạt chuẩn trên sàn New York cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta cũng chưa có cải thiện. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng USD cũng trợ lực cho giá cà phê thế giới bật tăng mạnh.

Nguồn tin tham khảo: Báo Công thương & Môi trường đô thị
[…] Giá Cà phê hôm nay 19/04 – Arabica và Robusta tiếp đà tăng mạnh […]