Giá xăng dầu hôm nay (17/4) trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng đi lên. Trong tuần trước, giá dầu thế giới tăng mạnh. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng 1,5% còn giá dầu WTI tăng 2,4%.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 11/4 của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 bán ra là 23.170 đồng/lít. Xăng RON 95 có giá bán là 24.240 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 20.140 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 19.730 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Giá dầu thế giới
Tiếp đà tăng của tuần trước, giá dầu tuần này bắt đầu giao dịch trong sắc xanh.
Tuần trước, giá dầu đã tăng khá khiêm tốn với dầu Brent tăng 1,5% lên mức 86,31 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 2,4% lên mức 82,52 USD/thùng. Tuần trước giá dầu cũng ghi nhận tăng tuần thứ tư liên tiếp và đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6-2022.
Mặc dù trong các phiên giao dịch, giá dầu không biến động mạnh nhưng trong năm phiên, giá dầu đã tăng 3 và giảm 2 phiên. Sự tăng, giảm của giá dầu chịu tác động chủ yếu bởi lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chính sách “diều hâu” của mình để kiềm chế lạm phát cùng các dự báo cung-cầu của OPEC và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), cũng như sự biến động của đồng USD.
Đầu tuần trước, giá dầu đã giảm nhẹ bởi lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Đến cuối tuần, báo cáo lạm phát của Mỹ “hạ nhiệt” đã làm “bay” những lo ngại này khiến giá dầu sớm lấy lại được đà tăng. Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất lần cuối 25 điểm cơ bản vào tháng 5 và sẽ ngừng chuỗi tăng lãi suất cho đến hết năm.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm gần 1 USD bởi các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Việc này có thể hạn chế nhu cầu dầu trong bối cảnh thị trường thắt chặt hơn do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sâu nguồn cung.
Tới phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu đã quay đầu tăng hơn 2% do lo ngại nguồn cung từ Nga sụt giảm và đồng USD suy yếu.
Đến phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu thế giới tiếp tục tăng thêm hơn 2%, lên mức cao nhất trong hơn một tháng.
Giá dầu tăng mạnh sau khi Mỹ công bố lạm phát trong tháng 3 tụt xuống còn 5%, so với mức 6% trong tháng liền trước và so với mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022. Thông tin lạm phát Mỹ giảm nhanh khiến giới đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ nhanh chóng đảo chiều chính sách tiền tệ, từ thắt chặt sang nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với việc Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Tại phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu đảo chiều giảm hơn 1 USD trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái và nhu cầu dầu suy yếu. Các thành viên của Fed đánh giá nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.
Ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng nhẹ do lo ngại nguồn cung thắt chặt. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. IEA cũng cảnh báo việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sâu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Trong tuần trước, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo, dự trữ dầu thô của Mỹ khiêm tốn 600.000 thùng trong khi dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất giảm.
OPEC cũng đã cảnh báo về sự bất ổn trong nhu cầu hè này. Nhóm này cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu mùa hè của Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự yếu kém nào của nền kinh tế do lãi suất tăng trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại chưa thể bù đắp được sự sụt giảm trong tiêu thụ dầu toàn cầu.
Cũng theo OPEC, tồn kho thương mại của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tăng trong những tháng gần đây.
Theo sau báo cáo của OPEC là báo cáo của IEA. Cơ quan này dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. IEA cảnh báo việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sâu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Hồi đầu tháng, OPEC+ đã gây sốc thị trường với quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của nhiều thành viên của nhóm này trong khi nhiều chuyên gia cho rằng OPEC+ sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản xuất là giảm 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 10 năm ngoái. Với quyết định mới của OPEC+, sản lượng của OPEC+ sẽ bị cắt tới 3,66 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5 cho đến hết năm. Điều này đã khiến thị trường dầu chao đảo, tăng vọt đến hơn 6% trong phiên giao dịch ngay sau ngày các thành viên của OPEC+ thống nhất cắt giảm mức sản lượng tự nguyện.
Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường và công nghiệp dầu mỏ tại IEA, cho biết nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm 400.000 thùng/ngày vào cuối năm nay. Theo bà Bosoni, sự gia tăng sản lượng của các nước ngoài OPEC không bù đắp được sự sụt giảm từ các nước OPEC và nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trong khi tồn kho dầu giảm và kết quả là giá dầu sẽ tăng.
Nguồn tin: Tổng hợp từ QDND/VietnamNet
[…] Giá xăng dầu hôm nay 17/4: Giá xăng dầu tăng mạnh so với kỳ trước đó […]