Đây là bài viết theo quan điểm cá nhân của tôi về tình hình lạm phát cũng như các chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại đang được các Ngân hàng trung ương thực hiện để kìm hãm lạm phát và những hệ lụy từ các chính sách trên liên có khiến cho nền kinh tế rơi vào suy thoái hay không.
Điểm lại những tin tức và số liệu kinh tế hiện tại:
Số liệu được nhắc đến nhiều nhất là lạm phát, lạm phát hiện đang giảm lại theo đúng lộ trình mà FED đã đặt ra và thậm chí mức giảm còn nhanh hơn nhiều so với dự kiến do đó thị trường đã có những nhận định về khả năng FED cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm nay. Trước đó thị trường từng kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất đến cuộc họp tháng 6 và sau đó sẽ dừng lại sang Q1/2024 sẽ bắt đầu giảm lãi suất.

Đồ thị thể hiện khá rõ ràng xu hướng giảm của lạm phát, mặc dù còn cách khá xa mục tiêu 2% nhưng với việc duy trì lãi suất trên 5% trong một khoảng thời gian dài có thể kéo dài đến hết năm nay cũng sẽ là chính sách để hỗ trợ cho xu hướng giảm trở lại của lạm phát. Theo đánh giá tôi cho rằng FED có thể duy trì ở mức lãi suất này trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm nay cũng có thể sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Theo các văn bản do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố ngày 12/4, hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng rất có thể sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái trong năm nay.
Biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) bao gồm phần trình bày của các cán bộ Fed về tác động tiềm tàng từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB và các biến cố khác trong ngành tài chính tháng qua.
Biên bản viết: “Dựa trên đánh giá về tác động kinh tế tiềm ẩn của những sự kiện gần đây trong ngành ngân hàng, tại thời điểm cuộc họp tháng 3 diễn ra, các cán bộ Fed dự đoán một cuộc suy thoái nhẹ sẽ bắt đầu trong năm nay và nền kinh tế sẽ phục hồi trong hai năm kế tiếp”.
Loạt dự báo được Fed công bố sau cuộc họp cho thấy các quan chức dự kiến GDP năm 2023 sẽ chỉ tăng trưởng ở tốc độ khiêm tốn là 0,4%.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến thị trường đồn đoán rằng Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất, nhưng các quan chức nhấn mạnh rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để chế ngự lạm phát .
Một số nhà hoạch định chính sách đề xuất nên giữ nguyên lãi suất khi chưa rõ cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra như thế nào. Song, cuối cùng họ vẫn đồng ý bỏ phiếu cho một đợt tăng lãi suất khác “vì lạm phát cao và sức mạnh của các dữ liệu kinh tế gần đây”.
Trên thực tế, biên bản lưu ý rằng một số thành viên của Fed còn nghiêng về phương án tăng lãi suất 0,5 điểm % trước khi rắc rối trong ngành ngân hàng lộ ra. Các quan chức nhận định lạm phát “vẫn còn quá cao” dù họ nhấn mạnh rằng các dữ liệu kế tiếp và tác động của chu kỳ tăng lãi suất sẽ phải được xem xét khi xây dựng chính sách trong thời gian tới.

Nhìn chung, dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đang trên đà quay trở lại mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ tăng 0,3% trong tháng 2 và cao hơn 4,6% so với cùng kỳ năm trước, tờ CNBC cho biết. Mức tăng hàng tháng này thấp hơn dự báo của các chuyên gia.
Báo cáo ngày 12/4 của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,1% so với tháng liền trước. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng của CPI tháng 3 đã hạ xuống 5%, thấp hơn hẳn 1 điểm % so với tháng 2.
Báo cáo việc làm tháng 3 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở gần mức thấp nhất trong lịch sử và tiền lương tiếp tục đi lên. Thông tin này càng củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong chu kỳ thắt chặt chính sách hiện tại.

Các đánh giá ở trên cho thấy FED vẫn có lý do để có thể tăng lãi suất ít nhất là một lần 25 điểm cơ bản nữa, trong cuộc họp tháng 5 này khả năng gần như chắc chắn FED sẽ tăng và điều mà thị trường đang chờ đợi là những đánh giá tổng quan lại sau khi lạm phát đã giảm thì liệu FED có còn muốn tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần vào tháng 6 nữa hay không.
Hoặc chúng ta sẽ phải theo dõi số liệu lạm phát và lao động tháng 4 này vào giữa tháng 5 tới để có thể đưa ra được các đánh giá đầy đủ hơn bởi lẽ trong tháng 4 này giá cả hàng hóa đang có dấu hiệu tăng trở lại khi OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng đã đẩy giá Dầu lên mức cao nhất trong nhiều tháng và điều này đang đe dọa đến tình hình lạm phát hiện tại. Khi giá năng lượng tăng cao và tình hình giá lương thực cũng đang nóng lên do những lo ngại về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đang rơi vào bế tắc sẽ khiến cho giá cả hàng hóa năng lượng và thực phẩm tăng trở lại. Điều này có thể khiến lạm phát quay lại xu hướng tăng thì có thể FED sẽ cân nhắc đến việc tăng lãi suất thêm trong tháng 6.
Để trả lời cho câu hỏi liệu FED có thể hạ cánh mềm trong lần này không, chúng ta lật lại quá khứ cũng đã có những lần FED đạt được mục tiêu đưa lạm phát về lại mức 2% và không gây ra khủng hoảng, trong lần này các số liệu kinh tế cũng đang cho thấy khả năng sẽ đạt được. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian năm nay lãi suất vẫn ở mức cao thì sẽ có thể xảy ra các vấn đề vĩ mô mà hiện tại chúng ta thấy được rất nhiều doanh nghiệp lớn đã tiến hành sa thải lượng lớn nhân viên và điều này khiến cho những vấn đề hệ lụy sau đó sẽ âm ỷ và có thể bùng phát trong khoảng thời gian tiền tệ vẫn còn thắt chặt này.
Sau cuộc họp ngày 3/5 tới đây thị trường sẽ chờ đón các số liệu mới nhất về lạm phát, thị trường lao động và tình hình vĩ mô. Và có thể với những số liệu hiện có chúng ta vẫn sẽ có dữ liệu để kỳ vọng FED tăng lãi suất trong tháng 5 và sau đó nếu dữ liệu của tháng 4 không đạt được như kỳ vọng hoặc tình hình lạm phát như đã nêu ở trên nóng trở lại do lo ngại giá Dầu tăng cao sẽ có thể là nguyên nhân khiến FED phải thay đổi góc nhìn.
Ở bài viết được tổng hợp từ Reuters cũng có những đánh giá về việc hạ cánh mềm:
FED có thể đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” như trong quá khứ?
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN ngày 14/4, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn cơ hội hạ cánh mềm.
“Tôi cho rằng có cách hạ nhiệt lạm phát mà vẫn đảm bảo thị trường lao động vững mạnh. Những bằng chứng tôi nhìn thấy chỉ ra chúng ta vẫn đang đi trên con đường đó. Có rủi ro không à? Dĩ nhiên là có, tôi không muốn phớt lờ chúng. Những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng đang dần được giải quyết. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong cách mọi người sinh hoạt. Giá nhà từng tăng mạnh thì giờ cũng bắt đầu giảm”, bà Janet Yellen nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cũng cho rằng biến động trong lĩnh vực ngân hàng nước này tháng trước vẫn chưa khiến kinh tế Hoa Kỳ đi chệch hướng.
Trong tháng trước, 3 ngân hàng của Hoa Kỳ đã liên tiếp phá sản, gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank; trong đó, Silicon Valley Bank là định chế tài chính lớn thứ 17 tại Hoa Kỳ. Các sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng và khiến các thị trường tài chính rối loạn, làm dấy lên lo ngại tác động tiêu cực ra toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Nguyên nhân sụp đổ của các ngân hàng một phần đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cùng FED và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) can thiệp ngay sau đó, ngăn chặn nguy cơ các ngân hàng bị rút tiền ồ ạt. Dù vậy, giới đầu tư lo ngại rằng nhiều ngân hàng khác sẽ gặp khó khăn và có thể khiến nền kinh tế Hoa Kỳ không thể hạ cánh mềm. FED vừa qua cũng cảnh báo các khó khăn của hệ thống ngân hàng có thể khiến Hoa Kỳ rơi vào suy thoái nhẹ trong năm nay.
Có lẽ ở thời điểm này còn quá sớm để kết luận liệu có đạt được mục tiêu hạ cánh mềm hay không do đó trong chuỗi các bài viết này chúng ta sẽ cùng bàn sâu hơn.