Giá Dầu hôm qua đã tạo đỉnh ngắn hạn mặc dù trước đó đã phá vỡ kháng cự, thị trường đã có thời điểm kỳ vọng giá phá vỡ hướng về mốc 100 $/thùng. Tuy nhiên với nhịp điều chỉnh giảm hôm qua có thể đã khiến cho các đánh giá trở nên khó hơn, nhiều khả năng giá Dầu sẽ có nhịp điều chỉnh giảm lại cuối tuần này.
Điểm tin giá Dầu
Cảnh báo của OPEC về sự bất ổn trong nhu cầu vào hè này cùng với việc các nhà giao dịch chốt lời sau khi hai mặt hàng dầu chuẩn tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng ở phiên trước đó đã đẩy giá dầu lao dốc, kết thúc phiên giao dịch ngày 13-4 với mức giảm hơn 1 USD.
Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 1,24 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 86,09 USD/thùng. Đây là lần thứ hai trong tháng giá dầu Brent chốt phiên ở mức giảm. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,1 USD, tương đương 1,3%, xuống mức 82,16 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 12-4, cả hai điểm chuẩn đã tăng giá 2% lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Sự leo dốc này được hỗ trợ bởi lạm phát của Mỹ hạ nhiệt làm gia tăng hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất.
Ngày 13-4, trong báo cáo hằng tháng của mình, OPEC đã cảnh báo những rủi ro suy giảm đối với nhu cầu dầu mùa hè, nhấn mạnh sự gia tăng trong dự trữ dầu và những thách thức mà tăng trưởng toàn cầu phải đối mặt.
OPEC cho biết, tồn kho thương mại của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tăng lên trong những tháng gần đây. Cũng theo OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu mùa hè của Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự yếu kém nào của nền kinh tế do lãi suất tăng và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau các biện pháp kiềm chế Covid-19 nghiêm ngặt vẫn chưa ngăn được sự sụt giảm trong tiêu thụ dầu toàn cầu.
OPEC cũng đưa ra những thách thức tiềm ẩn đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ, sự ổn định của thị trường tài chính và mức nợ quốc gia, doanh nghiệp và tư nhân cao.
Theo Reuters, báo cáo của OPEC đã làm sáng tỏ những lý do đằng sau việc cắt giảm sản lượng tự nguyện đầy bất ngờ của nhiều thành viên OPEC+ hồi đầu tháng khiến giá dầu tăng phi mã lên mức 87 USD/thùng từ mức dưới 80 USD/thùng.
Bất chấp sự sụt giảm của giá dầu trong ngày 13-4, cho đến nay, trong tháng này, quyết định của OPEC+ đã đẩy giá dầu Brent tăng gần 8% và nó tiếp tục làm tăng kỳ vọng về khả năng thắt chặt thị trường dầu mỏ trong tương lai.
Đà lao dốc của giá dầu cũng được hạn chế do OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày, tương đương 2,3%.
Thêm vào đó, đồng USD giảm và dấu hiệu phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng 22,5% so với một năm trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2020.
Theo QDND/Reuters
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT GIÁ DẦU
DẦU WTI

Đồ thị giá Dầu WTI giao tháng 5 hiện đã có nhịp điều chỉnh giảm nhưng theo quan sát cá nhân tôi đánh giá thì có thể chưa phải là tín hiệu giảm rõ ràng, giá hiện vẫn ở trên vùng hỗ trợ 81.7 $/thùng do đó sẽ cần có một động lực đủ mạnh phá vỡ mốc này thì xu hướng giảm mới có thể được xác nhận.
Tuy nhiên khi giá điều chỉnh ở vùng đỉnh cũ cũng đang cho thấy một áp lực bán đang hình thành vào cuối tuần này. Khả năng trong đồ thị giá Dầu vẫn sẽ chưa vượt qua được kháng cự là đỉnh cũ hôm qua ngay mà sẽ duy trì đi ngang biên độ 80-84 $/thùng trong một khoảng thời gian nữa trước khi chờ phá vỡ.
Hôm nay có thể xuất hiện tín hiệu bán nhẹ, chiến lược có thể sẽ bán vào khoảng vùng giá 82.6-82.8 $/thùng. Dự kiến sẽ điều chỉnh ngắn hạn về vùng 81 $/thùng
DẦU BRENT

Đồ thị Dầu Brent giao tháng 6 đã có tín hiệu giảm, giá có thể đã xác nhận điều chỉnh nhẹ về vùng 84 $/thùng
Tuy nhiên, hiện vùng giá này đang có sự điều chỉnh tăng nhẹ đầu ngày do đó cũng chưa chắc chắn được chiến lược bán mà có thể sẽ tăng nhẹ lên vùng 86.55 – 86.7 $/thùng trước khi có tín hiệu bán. Vùng giá này cũng có thể thực hiện các chiến lược bán ngắn hạn với mức dừng lỗ tương đối nhỏ.
Lưu ý các chiến lược vẫn cần có điểm chặn lỗ để quản lý rủi ro, đặc biệt trong phiên cuối tuần cũng khá nhiều bất ngờ có thể xảy ra.