Không có nhiều bất ngờ khi Vàng và Bạc tiếp tục bật tăng mạnh phá vỡ các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ quan trọng trong ngày hôm qua. Vàng đã hướng đến mức sát với đỉnh lịch sử 2070 $/oz.
Điểm tin cơ bản
Tuần trước, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ thất nghiệp mới đã tăng vượt dự đoán, càng cho thấy thị trường lao động đang dần nới lỏng khi chi phí đi vay tăng cao làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế.
Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 8/4, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 11.000 lên mức 239.000 (đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ). Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo con số 232.000.
Số lượng đơn chưa điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ tăng 27.457 lên 234.577 vào tuần trước, trong đó bang California tăng 11.388 hồ sơ. Các bang New Jersey, Pennsylvania, Texas, New York và Conneticut cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể.
Các bản điều chỉnh do chính phủ công bố hồi tuần trước cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong năm nay cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu, phù hợp với làn sóng sa thải nhân sự cấp cao trong lĩnh vực công nghệ cũng như trong các ngành nhạy cảm với lãi suất.
Song, số hồ sơ xin trợ cấp vẫn ở dưới mức 270.000, một ngưỡng mà các nhà kinh tế cho rằng sẽ báo hiệu sự suy thoái trong thị trường lao động. Báo cáo việc làm tháng 3 mà Bộ Lao động công bố tuần trước cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại nhưng vẫn khá lành mạnh.
Số cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống dưới 10 triệu vào cuối tháng 2, lần đầu tiên sau gần hai năm. Tuy nhiên, có 1,7 vị trí mở cho mỗi người thất nghiệp trong tháng đó, điều này có thể giúp một số người lao động dễ tìm việc sau khi bị sa thải.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thắt chặt các điều kiện tín dụng sau sụp đổ của ba ngân hàng khu vực vào tháng trước đã dẫn đến vấn nạn mất việc tràn lan.
Lạm phát hạ nhiệt
Sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ càng được thể hiện rõ nét hơn bởi các dữ liệu khác từ Bộ Lao động. Giá sản xuất đã giảm mạnh nhất trong gần ba năm vào tháng 3 và lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ đã dần dịu bớt.
So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 2,7% trong tháng 3. Đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 1/2021. Hồi tháng 2, thước đo này tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được cải thiện đáng kể, giúp PPI hạ nhiệt nhanh chóng hơn. Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán PPI tháng 3 không biến động so với tháng liền trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu không tính giá năng lượng, thực phẩm và dịch vụ thương mại, PPI lõi tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và đi lên 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dịch vụ giảm 0,3% trong tháng 3, mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Tỷ suất lợi nhuận của các dịch vụ thương mại đã đi xuống 0,9%. Chi phí dịch vụ vận chuyển và kho bãi giảm 1,3%.
Tuần này, số liệu của chính phủ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng hạ nhiệt đáng kể trong tháng 3. Cụ thể, CPI tăng 0,1% so với tháng liền trước, thấp hơn mức 0,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 5%, thấp hơn mức dự báo 5,1%.
Không bao gồm giá năng lượng và lương thực, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng liền trước và 5,6% so với một năm trước, đều khớp với ước tính của các nhà kinh tế.
Dự vào dữ liệu PPI và CPI, các nhà kinh tế ước tính rằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) lõi của tháng 3 đã tăng 0,3% so với tháng trước và4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
PCEPI lõi là một trong những thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu tháng 3 sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Bất chấp những diễn biến nói trên, thị trường lao động và lạm phát có thể chưa hạ nhiệt đủ nhanh để ngăn Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới, theo nhận định của Reuters.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp chính sách đầu tháng 5. Đây có thể là đợt tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ lần này của Fed.

Tỉ lệ FED tăng 25 điểm cơ bản hiện hơn 69%, trong khi đó vẫn còn tỉ lệ cho rằng FED sẽ không tăng lãi suất nữa.

Giảm mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, tăng mua vàng
Trong những năm qua, chính phủ Mỹ vay được hàng chục nghìn tỷ USD để bù đắp thiếu hụt ngân sách một phần là nhờ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng các số liệu gần đây cho thấy các nhà đầu tư quốc tế không còn quá hứng thú với chứng khoán nợ của Washington.
Cụ thể, giá trị nợ chính phủ Mỹ do nước ngoài nắm giữ giảm từ đỉnh lịch sử 7.740 tỷ USD vào tháng 12/2021 xuống còn hơn 7.300 tỷ USD vào cuối năm 2022. Việc Mỹ ra đòn trừng phạt mạnh tay với Nga và Belarus vì tấn công quân sự Ukraine vào tháng 2/2022 đã khiến nhiều nước e ngại việc để tiền vào các tài sản do Mỹ kiểm soát.
Khi số người sẵn sàng cho vay giảm đi, bên đi vay sẽ phải mời chào mức lãi suất cao hơn mới mong vay được số tiền như trước. Nói khác đi, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ đi lên, và nguyên nhân không chỉ là chiến dịch thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của Fed.
Nếu không cất tiền trong trái phiếu Kho bạc Mỹ, các nước dùng tiền tiết kiệm để làm gì? Câu trả lời là mua vàng. Khi niềm tin vào tiền giấy không còn, nhà đầu tư sẽ tìm đến những loại tài sản có giá trị nội tại như kim loại quý.
Năm 2022, các ngân hàng trung ương mua ròng kỷ lục 1.136 tấn vàng, trị giá khoảng 70 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2023, xu thế này tiếp tục khi các ngân hàng trung ương mua ròng 125 tấn vàng, mức kỷ lục ít nhất là kể từ 2010.
Nguồn tin: Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
VÀNG – XAUUSD

Theo cá nhân tôi nhận thấy Vàng hiện tại đã bước vào đà tăng dài hạn khi phục hồi từ vùng đáy 1615 $/oz. Với bối cảnh thị trường đã bớt các mối lo về lạm phát thì lại có những lo ngại rằng suy thoái kinh tế đang đến gần hơn với rất nhiều sự kiện nổi bật về tài chính đã diễn ra trong quý 1 năm nay.
Có thể tâm lý thận trọng và việc các tổ chức như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đánh hơi được và mua vào lượng lớn Vàng dự trữ đã báo hiệu rằng hiện các động lực hỗ trợ Vàng vẫn còn mạnh
Đồ thị ở trên cho thấy được xu hướng dịch chuyển dòng tiền nắm giữ tài sản an toàn là Vàng tăng mạnh, báo hiệu cho nhu cầu tích trữ Vàng chống lại suy thoái kinh tế đang có thể trở thành hiện thực.
Phân tích kỹ thuật hiện tại theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng giá Vàng sẽ vẫn còn đà tăng, hiện các tín hiệu không cho thấy giá sẽ giảm lại do đó sẽ không đưa ra các khuyến nghị và chiến lược bán Vàng lúc này.
Mức kháng cự quan trọng hiện là 2060 $/oz, mức kháng cự tạm thời khoảng từ 2055-2060 $/oz
Nếu giá có tín hiệu đảo chiều từ vùng giá này thì có thể sẽ điều chỉnh giảm ngắn hạn nhưng có lẽ sẽ không phải là tín hiệu giảm mạnh.
BẠC – XAGUSD

Đồ thị giá Bạc giao tháng 5 hiện cũng đã xác nhận phá vỡ đỉnh từ trước đó, xu hướng hiện vẫn tiếp tục tăng bám sát theo đường xu hướng.
Hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy giá sẽ đảo chiều giảm do đó chúng ta cũng sẽ không thực hiện chiến lược bán lúc này, có thể giá sẽ còn được đẩy lên cao hơn ở ngưỡng 27 $/oz
Good luck!
Lưu ý: Các nhận định chỉ mang tính tham khảo theo quan điểm cá nhân tác giả. Các bạn tự chịu trách nhiệm với các quyết định giao dịch của mình!