Chào các bạn,
Để trading phần lớn chúng ta sẽ học phân tích kỹ thuật để xác định xu hướng và cấu trúc giá để tìm kiếm các cơ hội giao dịch tốt nhất.
Thị trường về cơ bản sẽ có 3 xu hướng chủ đạo: Tăng – Giảm – Đi ngang
Thông thường sẽ cần rất nhiều thời gian để xây dựng cấu trúc đi ngang nhưng chỉ cần một tín hiệu động lượng tăng phá vỡ vùng trading range thì giá sẽ đi theo cấu trúc tăng hoặc giảm rất nhanh.
Và điều khó trong trading là chúng ta có đủ kiên nhẫn để chờ một tín hiệu phá vỡ hay xác định được vùng trading range để giao dịch hay không. Nếu phải chờ đợi quá lâu thì có khiến cho tâm lý giao dịch bị tác động hay không, và nếu chúng ta vào lệnh trong biên độ của trading range thì việc giá liên tục quét stop loss và đảo chiều khiến chúng ta mất đi rất nhiều lệnh thua và dẫn đến các quyết định giao dịch không còn đúng với bối cảnh thị trường lúc đó thì có khiến cho tâm lý nôn nóng gỡ lệnh hay không…
Vâng, vô vàn các câu hỏi mà chúng ta sẽ phải giải quyết nếu muốn trade có kết quả mà vẫn đảm bảo được tâm lý tốt và nhàn hạ hơn.
Cấu trúc thị trường trong phân tích kỹ thuật là gì?
Cấu trúc thị trường trong phân tích kỹ thuật là cách mà giá được tổ chức và thể hiện trên biểu đồ trong các khung thời gian khác nhau. Nó phản ánh cách thị trường di chuyển dựa trên lực cung và cầu, cũng như tâm lý của các bên tham gia. Việc hiểu cấu trúc thị trường giúp nhà giao dịch xác định xu hướng, điểm vào lệnh, và dự đoán sự thay đổi của giá.
Thành phần chính của cấu trúc thị trường
Xu hướng (Trend):
- Xu hướng tăng (Uptrend):
- Giá tạo đỉnh cao hơn (Higher Highs – HH) và đáy cao hơn (Higher Lows – HL).
- Dấu hiệu của thị trường bò (bullish market).
- Xu hướng giảm (Downtrend):
- Giá tạo đỉnh thấp hơn (Lower Highs – LH) và đáy thấp hơn (Lower Lows – LL).
- Dấu hiệu của thị trường gấu (bearish market).
- Xu hướng đi ngang (Sideways/Range):
- Giá dao động trong phạm vi giữa một vùng hỗ trợ và kháng cự, không có xu hướng rõ ràng.
Hỗ trợ và Kháng cự (Support & Resistance):
- Hỗ trợ: Vùng giá mà áp lực mua mạnh hơn bán, ngăn giá tiếp tục giảm.
- Kháng cự: Vùng giá mà áp lực bán mạnh hơn mua, ngăn giá tiếp tục tăng.
Breakout và Pullback:
- Breakout: Khi giá vượt qua vùng hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng, thường đi kèm với sự tăng khối lượng giao dịch.
- Pullback: Giá quay lại kiểm tra vùng hỗ trợ hoặc kháng cự sau khi breakout.
Đỉnh và Đáy (Swing Highs & Swing Lows):
- Đỉnh (Swing High): Điểm giá cao mà sau đó giảm.
- Đáy (Swing Low): Điểm giá thấp mà sau đó tăng.
Giai đoạn của cấu trúc thị trường
- Tích lũy (Accumulation):
- Thị trường đi ngang, thường xuất hiện sau xu hướng giảm.
- Dấu hiệu của sự chuẩn bị cho một xu hướng tăng.
- Phân phối (Distribution):
- Thị trường đi ngang ở đỉnh sau một xu hướng tăng.
- Dấu hiệu cho thấy áp lực bán tăng lên.
- Tăng trưởng (Markup):
- Xu hướng tăng mạnh với các đỉnh và đáy cao hơn.
- Nhà giao dịch thường tìm cơ hội mua vào trong giai đoạn này.
- Giảm giá (Markdown):
- Xu hướng giảm mạnh với các đỉnh và đáy thấp hơn.
- Đây là thời điểm thích hợp để bán ra hoặc chờ đợi.
Xác định cấu trúc giá như thế nào?
Để xác định được cấu trúc chúng ta sẽ phải làm rõ vấn đề về cấu trúc giá trong time frame nào. Ở mỗi khung thời gian sẽ có một cấu trúc được hình thành và thời gian để hoàn thành cấu trúc sẽ tùy thuộc vào time frame đó. Ví dụ, ở đồ thị Tháng và Tuần chúng ta có thể nhìn thấy một cấu trúc tăng dài hạn nhưng để hoàn thành cấu trúc sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên trong time frame ngắn hạn M1 M5 M15 thì cấu trúc lại được hình thành liên tục trong ngày. Giá sẽ liên tục tạo các cấu trúc và mô hình để hoàn thành các sóng trong từng phiên.
Để dễ hình dung chúng ta sẽ cần định hình dược mỗi một phiên Á – Âu – Mỹ thì khối lượng giao dịch sẽ khác nhau, khối lượng tăng cao nhất là thời điểm giao phiên Âu và Mỹ do đó biến động sẽ mạnh và nhanh hơn trong khoảng thời gian này.
Thông thường giá sẽ build cấu trúc trong phiên Á và Âu, để khi thời điểm phiên Mỹ mở cửa thì xu hướng phá vỡ cấu trúc sẽ hoàn thành đẩy giá đi theo một xu hướng nhất định.
Giai đoạn tích lũy hay phân phối của phiên Á và Âu chúng ta có thể hình dung đó là thời điểm hấp thụ khối lượng giao dịch. Khi thị trường vẫn đang trong quá trình hấp thụ thì sẽ chưa có dấu hiệu cụ thể nào hoặc sẽ liên tục phản ứng tại các vùng của trading range. Nếu chúng ta vào lệnh ở những khoảng thời gian này thì không nên kỳ vọng vì thời gian tích lũy và phân phối sẽ lâu và độ nhiếu động giá sẽ rất lớn.
Khi giá đang xây dựng cấu trúc thì sẽ liên tục xuất hiện các mô hình price action thường gặp. Ví dụ, mẫu hình vai đầu vai, cái nêm, kênh xu hướng, lá cờ, cái hộp chữ nhật …
Những mô hình này đều có điểm chung là xuất hiện sau một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh và thị trường đang đấu giá lại để xác nhận cấu trúc tích lũy hay phân phối.
Trong một cây nến Daily có thể xuất hiện rất nhiều cấu trúc khác nhau trong time frame nhỏ. Các bạn có thể thấy nến Daily là một cấu trúc tăng nhưng bên trong nến Tăng đó lại có rất nhiều diễn biến thay đổi trong từng phiên. Ví dụ, các bạn có thể thấy phiên Á giá build up trước để tạo thân nến tăng của Daily, tuy nhiên vào phiên Âu giá đảo chiều giảm mạnh để về lại mức giá open Daily hoặc thấp hơn để tạo bóng nến Daily. Sau đó vào phiên Mỹ giá lại đảo chiều tăng mạnh hơn để hoàn thành thân nến Tăng Daily.
Nhưng điều chúng ta cần lưu tâm là trong ngày tăng giá đó phiên Âu giảm mạnh về mức giá thấp hơn giá open Daily thì tâm lý của phần lớn chúng ta sẽ không thể giữ được trạng thái mua đầu phiên Á mà có thể sẽ dẫn đến việc cắt lỗ và đảo ngược view, dẫn đến sẽ tiếp tục bán ở giá đáy của ngày.
Vì vậy, trong một thân nến Tăng hay Giảm sẽ luôn có rất nhiều cấu trúc biến biến với biên độ của cây nến tăng hoặc giảm đó. Nếu chúng ta là một trader với chiến lược mua và bán ngắn hạn trong ngày thì sẽ rất khó để đủ tỉnh táo giữ lệnh nếu cấu trúc thị trường thay đổi liên tục như vậy.
Để giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ đi chi tiết vào việc xác định các cấu trúc giá trong time frame ngắn hạn để giao dịch cho từng phiên thay vì giữ trạng thái quá lâu.
Hẹn các bạn ở những bài viết tiếp theo…